Đông trùng hạ thảo có tên khoa học là Cordyceps, vốn nổi tiếng là một loại nấm dược liệu quý hiếm, chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng lớn đối với sức khỏe con người.
Nhiều nghiên cứu y học hiện đại đều khẳng định, đông trùng hạ thảo có giá trị dinh dưỡng cao, tăng cường sức khoẻ, hỗ trợ điều trị cho người bị bệnh hen phế quản, viêm phế quản mãn tính, ho lao, mỏi gối, di tinh, yếu sinh lý… hay có tác dụng đặc trị đối với bệnh viêm tiền liệt tuyến và bệnh tiểu đường.
Chuyện Nuôi Trồng Đông Trùng Hạ Thảo Thuần Việt Của Cô Gái Mới Ra Trường
Trên thị trường Việt Nam có bán nhiều loại nấm đông trùng hạ thảo, song phần lớn đều nhập từ Trung Quốc, nguồn gốc và chất lượng không rõ ràng, giá lại đắt đỏ. Trong khi đó, điều kiện, quy trình để làm ra sản phẩm này khá phức tạp, đòi hỏi phải có sự đầu tư kỹ lưỡng về công nghệ.
Đông trùng hạ thảo được nghiên cứu, sản xuất từ con nhộng tằm.
Tốt nghiệp khoa Công nghệ, ĐH Tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2003, chị Nguyễn Thị Hồng đã dành nhiều tâm sức để tìm tòi, nghiên cứu về các loại nấm, thảo dược. Chị đặc biệt quan tâm tới giống nấm Cordyceps militaris – một loại đông trùng hạ thảo có nguồn gốc Tây Tạng được nuôi cấy trên cơ chất tổng hợp từ gạo lứt và nước dừa.
Chị kể: “Khi tôi bắt tay vào nghiên cứu, thị trường bấy giờ tràn ngập sản phẩm đông trùng hạ thảo của Trung Quốc và các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, giá cả lại đắt đỏ vô cùng. Nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam là thật, vậy tại sao phải dùng hàng kém chất lượng? Tôi quyết tâm tạo ra sản phẩm tốt, bền vững”.
Vậy là năm 2009, chị Hồng đã tập trung học tập, nghiên cứu một số mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo tại Trung Quốc và Thái Lan. Đến tháng 10/2011, chị đã nghiên cứu và nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo dạng quả thể. Sản phẩm ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu nấm trong nước. Tháng 9/2012, sản phẩm bắt đầu được bán ra thị trường.
Quả thể nấm Đông Trùng Hạ Thảo được nghiên cứu, sản xuất từ gạo lức và nước dừa.
Con Đường Lập Nghiệp
Nói về con đường lập nghiệp của mình cũng như thời gian mày mò, tìm tòi công nghệ nghiên cứu, chị Hồng chỉ cười: “Khó khăn chồng chất khó khăn”.
Chị bày tỏ: “Cái khó lớn nhất là tài chính, kèm theo đó là thiếu kiến thức. Không có tiền thì chẳng thúc đẩy được mô hình nào cả, mà kiến thức của bản thân tôi trong việc nghiên cứu sản phẩm này thì chưa khi nào là đủ. Tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ gia đình, anh em, bè bạn và các thầy cô”.
Chị kể, có những lúc bị thiếu tiền trầm trọng, chị phải vay mượn bạn bè để tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Chị cũng không thể quên những ngày sản phẩm của chị bị cạnh tranh trên thị trường về chất lượng, giá thành.
Ban đầu, cơ sở của chị sản xuất và cung cấp ra thị trường mỗi tháng khoảng 30 kg đông trùng hạ thảo với giá 60 triệu đồng/kg. Chị đang tìm đường xuất ngoại cho nấm và phấn đấu mỗi tháng đưa ra thị trường 500kg đông trung hạ thảo và chuyển giao công nghệ cho một cơ sở sản xuất tại Nghệ An.